Tương lai của SEO: làm SEO xoay quanh mục đích của người tìm kiếm

Tác giả: | Chuyên mục: SEO | Đăng ngày: 19/09/2017


Xu hướng làm SEO đã có sự biến đổi từ việc tập trung vào từ khoá, nay đã đào sâu hơn vào mục đích của người tìm kiếm.

Từ sự thay đổi của Google

Trong những năm gần đây, Google tập trung phát triển các thuật toán và tối ưu công cụ tìm kiếm xoay quanh nhu cầu của người dùng.

Mọi nỗ lực của Google được tạo ra nhằm đảm bảo các kết quả trả về sát với mục đích tìm kiếm, người dùng nhận được câu trả lời cho vấn đề của họ ngày càng thoả đáng.

# Semantic Search

Bằng chứng là việc ra đời của Semantic Search và thuật toán Humming Bird. Hai người search một từ khoá giống nhau nhưng sẽ ra 2 kết quả khác nhau. Bởi vì ngữ cảnh, vị trí, lịch sử tìm kiếm… của họ hoàn toàn khác nhau.

Tại sao Google làm được điều đó? Bởi vì Google không chỉ là công cụ tìm kiếm. Google còn là trình duyệt web được nhiều người sử dụng (Chrome), nơi mọi người xem video (Youtube), tải game (Google Play)… do đó nó thu thập được hàng triệu triệu thông tin của người dùng.

# Rankbrain

Mỗi ngày Google phải tiếp nhận rất nhiều truy vấn tìm kiếm. Có những truy vấn rất đơn giản. Ví dụ như từ khoá: “thiết bị nhà thông minh”.

Google chỉ việc rà trong dữ liệu index của mình, những trang web có chứa từ khoá đó, xếp hạng nó… rồi hiện kết quả trước mắt người xem.

Nhưng với những truy vấn dài và phức tạp chưa từng được tìm kiếm trước đó, không có trang web nào chứa chính xác truy vấn này, thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn.

Ví dụ: người dùng tìm kiếm “vì sao người lương thiện hay gặp nỗi buồn và trắc trở”

Việc làm sao để đưa ra kết quả làm thoả mãn những người tìm kiếm các truy vấn dạng này thật không dễ. Trong khi đó tỉ lệ các truy vấn này lại chiếm đến 15% trong tổng số các truy vấn tìm kiếm.

Để giải quyết vấn đề này, Google đã tạo ra Rankbrain, một bộ máy nhân tạo có khả năng tự học hỏi. Rankbrain sẽ giúp diễn giải những truy vấn phức tạp này nhằm đưa ra kết quả tốt nhất.

Đến sự thay đổi của SEO

Trước sự thay đổi của Google, SEO ngày nay không chỉ tập trung vào từ khoá mà sẽ đi sâu vào mục đích của người tìm kiếm.

SEO-xoay-quanh-muc-dich-cua-nguoi-tim-kiem-3

Từ khoá chỉ là bề nổi của mục đích tìm kiếm

Bằng cách tập trung vào mục đích của người tìm kiếm đằng sau từ khoá mà họ nhập lên Google, bạn có thể cải thiện được sự hiện diện trực tuyến của mình.

Với suy nghĩ này, SEO không chỉ là làm từ khoá lên top, nó còn có thể giúp doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng tiềm năng. Bằng việc lựa chọn khôn khéo các từ khoá và tạo ra những nội dung lôi cuốn, tâm lý thu hút người đọc.

Hãy hiểu đối tượng bạn đang nhắm tới

Bạn đang làm SEO cho một công ty. Với cách làm thông thường, sau khi có danh sách từ khoá, người làm SEO sẽ tiến hành kiểm tra tối ưu website, lựa chọn landing page, cải thiện và bổ sung thêm nội dung, đi link…

Tuy nhiên, với tư duy SEO mới, bạn cần phải hiểu thêm những người khách hàng tiềm năng của bạn.

Ví dụ:

Khách hàng của bạn bán sản phẩm tinh bột nghệ. Đối tượng sử dụng được sản phẩm này khá đa dạng từ người trẻ đến người già, từ giới tính nam đến giới tính nữ. Tác dụng của sản phẩm có rất nhiều như chống viêm, chống huyết ứ, tốt cho tiêu hoá, làm đẹp.

Trong khi đó, khách làm SEO với các từ khoá liên quan đến sản phẩm như tinh bột nghệ đen, nghệ vàng, nghệ trắng…

Nếu bạn chỉ tập trung từ khoá, nhưng không xác định đối tượng người mua mà khách hàng bạn đang nhắm tới, thì nội dung bạn xây dựng, các thẻ title, description sẽ bị chung chung, không nhắm đến đúng đối tượng người đọc.

Một ví dụ khác:

Khách hàng của bạn là một công ty về thiết bị nhà thông minh. Điều chúng ta cần biết đó là đối tượng của họ có thu nhập và khả năng chi tiêu như thế nào? Họ nhắm tới những dòng sản phẩm cao cấp hay dòng phổ thông?

Việc nắm được những thông tin này không quá phức tạp, khi bạn có thể khai thác trực tiếp từ phía khách hàng.

Phác thảo sơ lược chân dung đối tượng người mua hàng sẽ giúp bạn kết nối website đến đúng người. Tăng tỉ lệ nhấp chuột vào trang web với các thẻ title, description hấp dẫn. Nội dung landing page được xây dựng thoả mãn mong đợi của họ, đúng những gì họ đang tìm kiếm.

ket-noi-website-va-khach-hang

Bạn kết nối website đến đúng đối tượng người mua tiềm năng

Xác định mục đích của người tìm kiếm

Nắm được chân dung của đối tượng khách hàng tiềm năng, chúng ta đi sâu về mục đích đằng sau các từ khoá mà họ đang tìm kiếm.

Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu rằng đằng sau mỗi từ khoá, là một câu hỏi mà họ muốn nhận được câu trả lời.

Câu hỏi phản ánh mục đích của người tìm kiếm. Mục đích có thể hiển thị một cách dài dòng, “nghĩ sao hỏi đó” như: “vì sao người lương thiện hay gặp nỗi buồn và trắc trở”, hay rất ngắn, rất cô đặc.

Nắm được câu hỏi, nội dung các landing page của bạn sẽ tập trung vào giải quyết câu hỏi đó. Nội dung không bị lan man, dài dòng. Bên cạnh đó, bạn nhớ sử dụng văn phong, trình bày phù hợp với chân dung khách hàng tiềm năng.

Ví dụ:

# Từ khoá: “Dịch vụ SEO từ khoá”

Nghĩa là: tôi muốn biết những công ty nào cung cấp dịch vụ SEO từ khoá.

Khi họ tìm kiếm đúng từ khoá này, ít nhiều họ đã biết về SEO từ khoá. Nếu không, họ sẽ tìm kiếm những từ khoá khác như: SEO từ khoá là gì, lên top nghĩa là thế nào….

Khi đã xác định được điều này, nội dung bạn viết sẽ đi thẳng vào phần dịch vụ mà công ty cung cấp, thay vì giải thích lại về SEO.

Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là vẫn có trang giới thiệu dịch vụ SEO giải nghĩa lại cho người xem.

noi-dung-viet-huong-nguoi-dung

Một trang web giải thích về SEO trong trang dịch vụ.

# giúp việc nhà cho người nước ngoài

Nghĩa là: tôi có người quen là người nước ngoài. Tôi cần tìm một nơi cung cấp người giúp việc có khả năng giao tiếp bằng tiếng anh cơ bản. Làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ giấc. Không tham lam, ăn cắp.

Tại sao không phải là “tôi là người nước ngoài” mà là “tôi có người quen là người nước ngoài”.

Theo ý kiến chủ quan của tôi thì việc gõ đúng từ khoá “giúp việc nhà cho người nước ngoài” trên Google sẽ gây khó cho người không rành tiếng việt. Bên cạnh đó việc tìm kiếm thông tin, xem giá, các thủ tục cũng không hề đơn giản.

Nên việc nhờ đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ trong trường hợp này sẽ khả thi hơn. Lúc này người tìm kiếm sẽ chú trọng đến chất lượng, uy tín, vì họ không muốn giới thiệu người không tốt sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ.

# tinh bột nghệ có ăn nắng không?

Nghĩa là: Da tôi trắng. Tôi muốn dùng tinh bột nghệ làm đẹp, nhưng dùng có bị ăn nắng không? Phải chú ý những gì khi sử dụng, liều lượng khi sử dụng?

Thông thường những ai có da trắng, hoặc đang sử dụng các sản phẩm làm trắng da rất quan tâm vấn đề này.

Không phải lúc nào cũng tìm ra câu hỏi đằng sau từ khoá

Việc tìm ra câu hỏi đằng sau từ khoá đôi khi sẽ hơi khó, đối với những từ khoá quá chung chung. Ví dụ từ khoá “tinh bột nghệ”.

Mục đích của người tìm kiếm khá đa dạng, có thể là muốn tìm hiểu về tinh bột nghệ, hoặc tìm nơi để mua. Lúc này Google sẽ tuỳ vào ngữ cảnh, lịch sử tìm kiếm để đưa ra kết quả phù hợp với người dùng.

Với công ty bán tinh bột nghệ, họ có thể lựa chọn nhiều phương án. Với trang bán sản phẩm, chọn các từ khoá thiên về mua bán như “tinh bột nghệ mua ở đâu”, “tinh bột nghệ trị mụn”…

Những từ khoá như: “tinh bột nghệ dùng có nóng không”, “dùng tinh bột nghệ sau khi sinh”… được viết theo lối chia sẻ thay vì bán hàng, nhằm tăng sự đa dạng nội dung cho website, cũng như giúp thương hiệu được nhận biết tốt hơn.

KẾT

Hướng phát triển SEO theo mục đích của người tìm kiếm không mới. Với cách làm này, công việc của người làm SEO sẽ trở nên thú vị hơn. Đặc biệt không còn bị xem là một công việc kỹ thuật khô cứng trong mảng Online Marketing.

Trang Lê

Tham khảo thông tin: searchenginejournal.com

Bài Viết mới nhất

Bài viết liên quan